728x90 AdSpace

  • Latest News

    Thứ Hai, 2 tháng 9, 2019

    Giản dị miền quê lúa đặc sản Thái Bình

    Thái Bình sản sinh ra những đặc sản bình dị, đơn sơ như chính con người nơi đây.

    Không mang vẻ hùng vĩ, rợn ngợp như nhiều địa danh khác trên dải đất hình chữ S, quê lúa Thái Bình hiền hòa như chính cái tên của mình. Khắp tỉnh đều mượt mà đồng ruộng bằng phẳng, nhiều sông ngòi hồ ao và khí hậu mát mẻ. Điểm cuốn hút của Thái Bình là những di tích lịch sử và văn hóa, các lễ hội, trò chơi, điệu múa dân gian hấp dẫn. Đặc biệt, Thái Bình có riêng nhiều món ăn ngon, lành như cốm làng Thanh Hương, canh cá Quỳnh Côi, ổi Bo, bánh cáy...

    Bánh cáy làng Nguyễn

    Từ xưa, bánh cáy làng Nguyễn đã nổi tiếng bởi là đặc sản từng dâng lên vua. Vua khen ngon, dân khen ngon khiến bánh cáy nức tiếng truyền xa cho đến tận ngày hôm nay.

    Nguyên liệu làm bánh thì nhiều nhưng quy chung, bánh cáy nhất định cần gạo nếp, gấc, quả dành dành, lạc, vừng, cà rốt, gừng, vỏ quýt, mỡ lợn… Sau một loạt các khâu phức tạp, bánh cáy thành phẩm có hình dạng khá mộc mạc với lớp vừng dày ở ngoài, điểm xuyết trong bột nếp là những màu vàng vàng, cam cam, trắng trắng.

    Bánh cáy - đặc sản Thái Bình - ăn vào thấy dẻo thơm quyện nếp, lại có hương gừng ấm, vị ngọt của đường mía, mạch nha, thỉnh thoảng chộn rộn chút bỏng nếp hoa vàng hay mỡ lợn khẩu muối đường giòn trong…

    Bánh cáy là thức quà ngon có thể để dành lâu thật lâu. Nhằm buổi chiều chiều cắt bánh cáy thành từng miếng mỏng, pha ấm trà thơm rồi ngồi nhâm nhi cùng bạn hữu, gia đình sẽ cảm nhận hết cái ngon và độc đáo của món quý tiến vua.

    Cốm Thanh Hương

    Làng Thanh Hương, xã Đồng Thanh có loại cốm nổi tiếng khắp xa gần. Khi xưa, người ta làm cốm như kết tinh của công sức lao động con cháu thắp hương tiên tổ. Sau này, cốm Thanh Hương dần nổi tiếng, dân làm để bán cho khách khắp nơi, quảng bá một món đặc sản quê lúa.

    Cũng như làng cốm khác, người làm cốm nơi đây chọn nhặt từ lúa nếp không non quá mà cũng không già quá, qua quá trình gặt, tuốt, sàng sẩy, giã… cho ra từng hạt cốm nõn nà, trăm hạt như một. Ngay màu xanh mát của cốm cũng từ thiên nhiên xung quanh. Nước cốt lá nếp, lá lúa, lá gừng hoặc lá cau cho ra màu tươi đẹp mà tuyệt đối an toàn.



    Tuy nhiên, qua thời gian, thay vì hoàn toàn thủ công, nay cốm Thanh Hương phần nhiều do máy móc làm thành. Dù vậy, mùi thơm man mát vẫn ngự trị trong từng gói cốm bọc lá sen. Cốm ăn cùng chuối chín hay cứ thế nhón từng tí nhấm nháp khi chuyện trò lúc nào cũng ngon. Vị bùi bùi hương lúa, dẻo mà không quá dính của nếp non hòa lẫn với mùi sen mát luôn đem lại cảm giác dễ chịu và thanh thản cho người thưởng thức.

    Canh cá Quỳnh Côi

    Đặc biệt từ cái tên gọi, canh cá Quỳnh Côi - đặc sản Thái Bình - là món ăn không thể không nhắc đến hay nếm thử khi qua “quê hương của chị Hai 5 tấn”. Gọi canh cá nhưng đây lại là món ăn như bún, phở chứ không phải món kèm cơm. Món ăn nhìn tưởng đơn giản mà khá tốn công với nhiều bước đòi hỏi sự khéo léo của đầu bếp.

    Cá được làm sạch, lóc xương, thái miếng dày vừa ăn, ướp ngấm gia vị rồi đem nướng chín tới. Tiếp đến, lại chiên cá đã nướng cho đến khi vàng ruộm. Còn phần cá gần vây được băm nhuyễn với hành khô, tiêu, ớt thật kỹ rồi nặn thành viên đem chiên vàng giòn. Đầu, xương sống cá không bỏ đi mà đem ninh làm nước dùng.



    Bát canh cá thay vì sử dụng bún, phở, lại được người Thái Bình chọn riêng cho loại thực phẩm sợi mềm ngọt, mịn, dai – bánh đa, tạo dấu ấn cho canh cá Quỳnh Côi mà không món ăn nào khác có được.

    Ngày lạnh qua hàng bán canh cá này thì khó mà lướt đi, khó mà không dừng lại để hít hà vị thơm từ các nguyên liệu đồng quê chế biến kỳ công. Những miếng cá ngon vừa thơm, vừa bùi bùi, khác lạ hay miếng chả cả giòn bông, cay cay cuốn hút cạnh vị nước dùng ngun ngút khói rất hợp với rau thì là, hành lá xắt nhỏ. Giữa những hương vị đặc biệt ấy, bánh đa giản dị làm ấm lòng người quê lẫn khách nơi xa. Rau rút, rau cải cần, rau cúc tần… tùy mùa càng làm đa dạng và thanh vị cho món ăn.

    Gỏi nhệch

    Nhệch là tên một loại cá có hình dáng tương tự như lươn. Người ta cũng dùng tro để làm sạch nhớt trên mình nó rồi mới làm thành món ăn như kho, nấu canh chua, om... Đặc biệt là gỏi nhệch.

    Sau khi sơ chế, cá được cắt lát mỏng, trộn thính. Phần da cũng cắt thành miếng chiên giòn. Còn xương cá được giã nhuyễn, nấu thành thứ nước chấm có tên đặc biệt không kém tên cá - chẻo. Chẻo nấu xong, pha với gừng, tỏi, ớt, hạt tiêu, sả băm nhỏ.



    Gỏi nhệch ăn kèm rau chanh, lá sung, rau húng, tía tô. Cứ cầm lá sung gắp miếng gỏi, cho thêm tí da, cuốn lại chặt tay rồi chấm vào chẻo là đủ thấy món ăn dân giã đến độ nào. Vị bùi bùi của lá sung cùng với thịt cá ngon, béo béo da, thơm lừng thính từ gạo rang, quyện đậm đà với chẻo cay cay nồng nồng khiến gỏi nhệch ngày càng được ưa chuộng.

    Ổi Bo

    Dù giờ đây, để nếm được ổi Bo gốc cũng không đơn giản nhưng loại trái cây này vẫn nức tiếng gần xa.

    Ổi Bo - đặc sản Thái Bình - nhỏ thôi, chừng cỡ nắm tay nhưng rốn bé tí lại ngon như bao nhiêu tinh túy của đất đều chắt lọc, giữ riêng cho mình. Có điều đặc biệt là ổi Bo trồng ở Thái Bình mới thơm, giòn và ẩn chứa các tầng vị khác nhau: chát, chua dịu rồi mới đến ngọt mát như vậy. Cùng giống mà đem trồng nơi địa phương khác cũng không thể có đúng vị ổi Bo.



    Tiếc rằng ổi Bo năng suất và hiệu quả kinh tế không cao nên diện tích trồng đã bị thu hẹp đi nhiều, khách muốn tận hưởng vị riêng cũng khó tìm dù đứng ngay trên quê gốc của giống cây đặc sản.

    Thịt chuột

    Vốn nổi danh là đất lúa cho nên Thái Bình cũng là nơi sản sinh ra số lượng chuột đồng đông đảo. Từ loài gặm nhấm, phá hoại mùa màng này, người dân nơi đây sớm đã tận dụng chúng, biến thành những món ăn đặc sản mà nhiều khách phương xa lỡ có nếm thử một lần cũng bao phần thích thú.



    Sau khi bắt được chuột, người ta tiến hành làm sạch lông, mổ lấy ruột, bỏ chân, bỏ đầu rồi đem chế biến. Những con chuột béo tròn được thui trên lửa rơm mỡ chảy xèo xèo. Sau đó phần thân được chặt nhỏ, cho các loại gia vị: mắm, muối (vừa phải), hạt tiêu bắc, riềng, gừng, sả, đem trộn đều rồi cho ít nước vào và đổ vào nồi rồi bắc bếp đun sôi, phải nấu cho thật nhừ. Sau đó múc ra bát để nguội (như nấu thịt lợn đông). Ngoài ra, người ta còn chế biến chuột thành các món ăn khác nhau như canh chuột, chuột nướng, chuột ép lá ré... Hãy cứ thử tưởng tượng, giữa cánh đồng quê lúa mơn man, khí trời thoáng đãng, hữu tình, cùng bạn bè nhâm nhi những món ngon từ thịt chuột thì dễ mấy ai có thể quên.
    • Blogger Comments
    • Facebook Comments

    0 nhận xét:

    Đăng nhận xét

    Item Reviewed: Giản dị miền quê lúa đặc sản Thái Bình Rating: 5 Reviewed By: pha lê tím
    Scroll to Top